Chuỗi cung ứng gỗ
Chuỗi cung ứng từ gỗ đến sản phẩm gỗ tại làng nghề Vạn Điểm bao gồm các doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia thị trường buôn bán gỗ nguyên liệu, các hộ gia đình sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm gỗ, xưởng xẻ, hộ gia đình gia công và các hộ gia đình kinh doanh sản phẩm gỗ.
Tại Làng nghề Vạn Điểm có khoảng 8-9 doanh nghiệp tham gia thị trường cung cấp nguyên liệu gỗ cho làng nghề Vạn Điểm. Các doanh nghiệp đều có chức năng nhập khẩu, tuy nhiên chỉ khoảng 3 doanh nghiệp nhập khẩu với khối lượng lớn. Những doanh nghiệp còn lại đa phần mua gỗ từ các công ty nhập khẩu sau đó bán cho các hộ gia đình. Ngoài ra một số hộ gia đình ở xã lân cận, có kho chứa gỗ, cũng tham gia thị trường buôn bán gỗ nguyên liệu, những hộ gia đình này thường mua gỗ từ các công ty nhập khẩu với khối lượng lớn sau đó bán lẻ cho các hộ gia đình chế biến. Các công ty nhập nguyên liệu về Vạn Điểm thường với số lượng lớn (mỗi đợt từ 20 đến 30 containers) nên không thể bán hết ngay cho các hộ gia đình chế biến mà phải bán cho các hộ gia đình buôn bán gỗ ở xã lân cận làm đại lý (mỗi hộ mua từ 5-6 containers)
Theo ước tính tại Vạn Điểm có khoảng 340 hộ gia đình vừa sản xuất chế biến và kết hợp kinh doanh sản phẩm gỗ. Những hộ gia đình này đều có cửa hàng. Tuy nhiên trong số này chỉ có khoảng 30 hộ gia đình có quy mô lớn hơn các hộ khác, có thể sử dụng đến 50m3 gỗ/tháng. Còn lại những hộ gia đình khác chỉ sử dụng khoảng 5-6 m3 gỗ nguyên liệu/tháng. Ngoài ra còn nhiều hộ gia đình không có cửa hàng, chỉ sản xuất, chế biến và bán sản phẩm tại gia đình. Những hộ gia đình này thường sản xuất với quy mô nhỏ hơn (khoảng 2-3m3 gỗ/tháng). Những hộ gia đình quy mô nhỏ đều mua gỗ nguyên liệu tại địa phương từ các hộ gia đình kinh doanh gỗ nguyên liệu. Những hộ gia đình có quy mô lớn thường mua nhiều (1-2 containers) và mua trực tiếp của công ty nhập khẩu. Hầu hết những hộ gia đình này, sau khi mua gỗ đều xẻ gỗ tại xưởng xẻ. Vì thiếu mặt bằng nên các hộ gia đình sản xuất chế biến tại Vạn Điểm không trang bị máy xẻ CD.
Các xưởng xẻ tại Vạn Điểm đều là xưởng xẻ hộ gia đình, mỗi xưởng có từ 1 đến 3 máy xẻ CD. Theo ước tính tại Vạn Điểm có khoảng 15 hộ gia đình làm nghề xẻ gia công, tổng số máy xẻ tại Vạn Điểm khoảng 30 máy. Các hộ gia đình đều đầu tư máy xẻ CD, chạy tự động và có cẩu dàn để đưa gỗ vào máy. Trung bình mỗi máy xẻ tại Vạn Điểm có thể xẻ 4-5 m3 gỗ/ngày tương đương 120-150 m3 gỗ/máy/tháng như vậy tổng khối lượng gỗ chạy qua máy xẻ tại Vạn Điểm ước tính khoảng 36 đến 45 ngàn m3/năm.
Số lượng hộ gia đình làm nghề gia công chi tiết của sản phẩm tương đối nhiều, có khoảng 700-800 hộ gia đình làm nghề này. Các hộ gia đình gia công bao gồm gia công đục chi tiết thành phẩm (có cả đục tay và đục máy) và gia công lắp ghép các chi tiết sản phẩm hoàn thiện dưới dạng thô. Công đoạn sơn gia công ở Vạn Điểm được hình thành ở một khu riêng, nằm ngoài khu vực dân cư. Hiện tại ở Vạn Điểm có 22 xưởng sơn, nhưng chỉ khoảng 5-6 hộ gia đình đầu tư để mở xưởng sơn gia công. Đặc biệt, tại Vạn Điểm có khoảng 50 hộ gia đình làm nghề kinh doanh sản phẩm gỗ. Các hộ gia đình này hoặc có cửa hàng của gia đình hoặc thuê cửa hàng tại Vạn Điểm để bán sản phẩm của các hộ sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, lượng sản phẩm được bán qua những hộ gia đình này không nhiều. Phần lớn, đại lý của các tỉnh vẫn mua trực tiếp từ những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và buôn bán sản phẩm gỗ.
Sản phẩm, nguyên liệu và thị trường
Khác với Đồng Kỵ và La Xuyên, sản phẩm chính của Vạn Điểm là bàn ghế. Theo ước tính, lượng gỗ sử dụng để sản xuất bàn ghế ở Vạn Điểm chiếm đến 80% trong tổng số, đồ thờ 10%, còn lại giường, tủ và kệ tivi chiếm 10%. Thị trường của sản phẩm sản xuất tại Vạn Điểm là thị trường nội địa. Chủ yếu đại lý ở các Tỉnh phía Nam đặt hàng hoặc về mua hàng trực tiếp tại làng nghề.
Theo ước tính năm 2016 tổng lượng gỗ nguyên liệu sử dụng ở Vạn Điểm khoảng 35 đến 40 ngàn m3 gỗ quy tròn. Nguyên liệu gỗ để sản xuất sản phẩm của Vạn Điểm năm 2016 chủ yếu được nhập khẩu từ Châu Phi bao gồm có hương, cẩm lai, mun gõ đỏ chiếm đến 90% tổng số gỗ nguyên liệu sử dụng ở làng nghề. Ngoài ra còn có gụ chiếm khoảng 10% (nhập từ Lào và Campuchia), 1% là các loại gỗ khác như còng, dầu, trắc. Từ cuối năm 2016, nguyên liệu gỗ gụ không còn được bán nhiều ở làng nghề.
Lao động
Tổng số lao động tham gia nghề gỗ tại Vạn Điểm ước tính khoảng 9800 người, trong đó lao động làm thuê chiếm 68%, lao động gia đình chiếm 32%. Lao động làm thuê tại Vạn Điểm là lao động không có hợp đồng và lương được trả dưới dưới 2 hình thức: khoán sản phẩm và trả lương theo công nhật. Mức lương trả theo công nhật đối với Nam giới từ 250 đến 300 ngàn đồng/ngày (như thợ phụ, đứng máy, pha phôi), Nam thợ chính lương 420 ngàn đồng/ngày (hàng ngang, đục mộng, lắp ghép). Mức lương của nữ thấp hơn từ 150 đến 160 ngàn đồng ngày. Nữ thương làm các công việc nhẹ nhàng như trà nhám, đánh giấy giáp. Mức lương khoán được trả theo từng loại sản phẩm ví dụ như 1,5 triệu đồng 01 kệ tivi; 4 đến 5 triệu 1 bộ bàn ghế (bao gồm công đục tay và hàng ngang, giấy giáp), 2,2 triệu làm 1 bàn thờ (công hàng ngang).
Lao động Nam thường đảm nhận các công việc nặng và có tay nghề như đứng máy xẻ, cưa vanh pha phôi, làm hàng ngang đục mộng lắp ghép, phun sơn, quản lý xưởng và bán hàng. Nữ đảm nhận công việc nhẹ nhàng như trà nhám, giấy giáp
Vốn đầu tư
Trước đây vào năm 2010-2012, tín dụng ngân hàng cho vay nhiều và thủ tục vay dễ dàng, chỉ cần thành lập công ty, có thế chấp là được vay ngân hàng, việc đánh giá các khoản vay không được thực hiện chặt chẽ, nên có nhiều công ty được thành lập để kinh doanh, nhưng thực chất vay tiền để mua đất, xây nhà, mua ô tô, đầu tư vào sản xuất không nhiều. Sau này, các công ty đó hoạt động không hiệu quả gây ra những khoản nợ đọng rất lớn và tiến hành giải thể, đóng cửa hoặc không hoạt động nữa.
Ở Vạn Điểm, hiện tại nhiều hộ gia đình, trong thời gian kinh doanh dài, đã tích lũy được vốn để tự phát triển sản xuất. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Vạn Điểm đầu tư 1,54 tỷ đồng, một số hộ vẫn phải vay ngân hàng, nhưng không vay nhiều. Chủ yếu vay làm vốn lưu động, mua gỗ để sản xuất, trả lương công nhân trong những tháng không bán đủ doanh số để bù chi phí. Nhìn chung, hiện nay các ngân hàng cũng tạo điều kiện cho vay vốn nhưng có hạn mức ngắn hạn nên vẫn không đủ để các hộ gia đình mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhà xưởng và công nghệ
Không như Đồng Kỵ và La Xuyên, nhiều hộ gia đình ở Vạn Điểm có xưởng tách biệt ra khỏi nơi cư trú. Theo kết quả khảo sát, khoảng 45% số hộ gia đình được phỏng vấn (14 trong số 31 hộ gia đình) có xưởng chế biến tách biệt, không nằm ở nơi cư trú. Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn còn nhu cầu mở rộng nhà xưởng, lắp đặt thêm thiết bị máy để mở rộng sản xuất nên diện tích nhà xưởng hiện nay, 225-228m3/hộ, vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến của các hộ gia đình
Về trang thiết bị công nghệ, máy móc trong các cơ sở chế biến ở Vạn Điểm chủ yếu có nguồn gốc trong nước và Trung Quốc, chiếm 80%. Số lượng máy có nguồn gốc từ Đài Loan, Nhật Bản và Malaysia chiếm khoảng 20 % tổng số. So với trước đây, hiện nay các hộ gia đình tại Vạn Điểm đã trang bị nhiều máy móc thiết bị hơn nên năng suất lao động tăng cao hơn. Trước đây 1 xưởng có 1 thợ thì một tháng mới làm xong một bộ bàn ghế còn hiện tại địa bàn có nhiều máy móc nên 1 thợ có thể làm được 10 bộ bàn ghế/tháng. Cụ thể, số lượng máy CNC có nhiều hơn, mỗi năm có thêm vài chục máy, đến nay trong làng nghề có vài trăm máy CNC, nên việc gia công một số chi tiết đục nhanh hơn. Tại Vạn Điểm, các hộ gia đình mua máy móc, thiết bị để phục vụ công việc chế biến rất thuận lợi, chỉ cần gọi điện có thợ kỹ thuật đưa máy đến tận nhà để lắp.